Quãng đường đủ để thay giày
Một nghiên cứu đăng trên Journal of Sport Sciences năm 2011 cho thấy độ giảm đàn hồi và khả năng hấp thụ chấn động của giày chạy bộ giảm rõ rệt sau khoảng 480 km sử dụng. Nếu vẫn cố dùng thêm, runner sẽ chịu rủi ro chấn thương lớn hơn với đôi giày này.
Từ nghiên cứu đó, Viện Y học Thể thao về Chân, chi dưới Mỹ đưa ra khuyến cáo, rằng hầu hết giày chạy bộ nên được thay thế sau khi chạy khoảng 480 đến 800 km.
Quãng đường được tính để thay giày có thể dao động tùy thuộc vào loại giày. Giày chạy road thường bền hơn, có thể duy trì hiệu suất tối ưu tới 800 km sử dụng. Nhưng giày chạy trail thường cần được thay thế nhanh hơn, tối đa trong khoảng 720 km, do hao mòn manh hơn vì chịu nhiều tác động từ địa hình gồ ghề, sỏi đá, thân cây ... trên đường chạy.
Một chiếc giày chạy trail bị mòn đế, mất gần như toàn bộ phần gai nhám chống trơn trượt (chiếc trên) so với một chiếc cùng loại chưa bị mòn (chiếc dưới). Ảnh: Runner's World
Bên cạnh quãng đường, thời gian sử dụng cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ sử dụng của giày chạy. Ngay cả khi bạn không đạt đủ số kilomet đã nêu ở trên, giày vẫn có thể bị hỏng theo thời gian.
Hiệp hội Y khoa Chân & Mắt cá Mỹ (AOFAS) khuyến cáo runner nên thay giày sau khoảng 6-12 tháng, vì chất liệu EVA (Ethylene-Vinyl Acetate) ở đế giữa giày có thể bị thoái hóa theo thời gian, mất đi tính đàn hồi. Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Footwear Science năm 2015 phát hiện ra rằng đế giày cũng bị thoái hóa ngay cả khi không sử dụng nhiều, trong môi trường nóng hoặc ẩm.
Những dấu hiệu cho thấy cần thay giày
Đế ngoài bị mòn là dấu hiệu dễ nhận biết bằng mắt thường, ở mép ngoài và gót, cho thấy runner đến lúc phải đổi sang đôi giày mới.
Cảm giác đau nhức hoặc chấn thương ở bàn chân, đầu gối, hông hoặc cẳng chân là một cảnh báo khác về thời điểm thay giày. Vì đó là những dấu hiệu cho thấy giày đã mất khả năng hỗ trợ cần thiết, về độ đàn hồi và hấp thụ lực, không còn giảm chấn hiệu quả.
Cách tối ưu tuổi thọ giày
Để tránh phải thay giày quá nhanh, runner có thể luân phiên sử dụng nhiều đôi, qua đó giúp phân bổ lực tác động và giảm hao mòn.
Vệ sinh giày cũng cần được chú ý. Nếu giày chạy bị ướt, runner cần đảm bảo chúng khô hoàn toàn trước khi sử dụng lại. Không nên làm khô giày bằng nguồn nhiệt cao vì sẽ làm hỏng các vật liệu như cao su và keo. Sau khi chạy dưới mưa, runner nên rửa sạch giày để loại bỏ bùn đất, tháo dây và lót giày để giày khô đều. Bạn cũng có thể nhét giấy báo, hoặc giấy vệ sinh vào bên trong giày để hấp thụ độ ẩm. Những lúc không sử dụng, giày cần được cất ở nơi thoáng mát, tránh chỗ quá nóng hoặc ẩm, ngăn đế giữa nhanh hỏng.
Nếu không có ghi chép hoặc biện pháp để ghi lại quãng đường đã chạy, runner cần kiểm tra định kỳ, quan sát độ mòn của đế và cảm giác khi chạy để xác định thời điểm cần thay giày.
Việc thay giày đúng thời điểm sẽ bảo vệ đôi chân, duy trì hiệu suất và giúp bạn tránh được các chấn thương không mong muốn.
Nhật Tảo